Thị trường bất động sản đang bắt đầu hồi sinh sau nhiều năm rơi vào khủng hoảng, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam cũng đang dần có những bước phát triển. Hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng cũng như chào bán ra thị trường trong thời gian gần đây là minh chứng cho sự nóng lên của dòng sản phẩm này. Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn trong vòng 5 năm tới. Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partner cũng đưa ra hàng loạt dự báo cho xu hướng của phân khúc này.
Về tình hình kinh tế: Dự báo năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ nằm ở ngưỡng 285 tỷ USD xấp xỉ tương đương với GDP năm 2014 của Singapore và Philippin. Chỉ số này vào năm 2025 của Việt Nam được dự báo sẽ rơi vào khoảng 357 tỷ USD, tương đương với GDP năm 2014 của Thái Lan. Sự tăng trưởng của GDP chính là nền tảng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch nghỉ dưỡng.
Về tiềm năng du lịch: Kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện nên nhu cầu nghỉ dưỡng cũng tăng cao trong những năm gần đây. Cụ thể lượng khách du lịch quốc tế tăng từ 2.7 triệu lượt khách vào năm 2004 tăng lên tới 8 triệu lượt khách vào năm 2014. Lượng khách nội địa cũng có bước tăng trưởng mạnh từ 14.5 triệu lượt khách lên tới xấp xỉ 36 triệu lượt khách trong vòng 10 năm trở lại đây. Như vậy, theo đà tăng trưởng du lịch thì trong vòng 5 năm tới lượng khách du lịch trong và ngoài nước sẽ còn tăng nhanh và mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, mức chi tiêu của khách du lịch cũng tăng lên đáng kể trong những năm qua. Mức chi tiêu của một khách quốc tế ở Việt Nam năm 2013 là khoảng 96 USD/ngày. Khách nội địa sẵn sàng chi 53 USD mỗi ngày và dự báo con số này sẽ tăng lên 80 USD/ ngày trong vòng năm năm tới.
Các tuyến giao thông đến các khu du lịch ngày càng được cải thiện với các trục đường cao tốc, sân bay được mới xây dựng khiến việc di chuyển ngày càng dễ dàng. Du khách không còn đợi đến mùa mới đi du lịch, thay vào đó là các chuyến du lịch vào cuối tuần. Người đô thị đã dần hình thành văn hóa xe hơi và có thói quen tự lái xe ra khỏi thành phố để đi nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ. Đây cũng là yếu tố góp phần đảm bảo lượng khách du lịch ổn định suốt các mùa trong năm.
Về xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Nếu như năm 2005, tầng lớp trung lưu mới mua căn nhà đầu tiên và có xu hướng ở khách sạn 2-3 sao, thì đến năm 2014 họ đã đầu tư đến phân khúc bất động sản cho thuê lại và ở tại các khách sạn 3-4 sao. Theo đà này, giai đoạn 2020-2025, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là kênh đầu tư để nghỉ ngơi và cho thuê. Và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao sẽ là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư cũng như khách du lịch.
Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư dài hơi với thời gian thu hồi vốn từ 5-10 năm. Với những dự báo trong 5 năm tiếp theo rất khả quan, phân khúc bất động sản này sẽ là một cơ hội đầu tư rất hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.